Bài dự thi về tấm gương nhà giáo

Đăng lúc: 10:22:36 30/03/2018 (GMT+7)

Tâm gương nhà giáo hết lòng vì học sinh thân yêu

                         BÀI DỰ THI VIẾT VỀ TẤM GƯƠNG NHÀ GIÁO

          TẤM GƯƠNG NHÀ GIÁO HẾT LÒNG VÌ HỌC SINH THÂN YÊU!

         Nếu ai có dịp về thăm quê hương Cẩm Thủy, nơi có núi Cửa Hà in bóng xuống dòng sông Mã mộng mơ, nơi với những bãi ngô xanh mướt ngút ngàn, trải dài hai bên bờ sông, làm say đắm lòng người. Quê tôi còn nổi tiếng có suối Cá Thần linh thiêng thu hút bao khách du lịch gần xa. Xin mời  các bạn hãy  ghé thăm trường Tiểu học Cẩm Châu, ngôi trường xinh đẹp nằm bên sườn đồi, cạnh con đường huyền thoại mang tên Bác, cách trung tâm thị trấn Cẩm Thủy chừng 10km.

          Trải qua hơn  20 năm  phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, mái trường này từng bước khẳng định vị thế của mình,  xứng đáng  là một trường vùng đặc biệt khó khăn nhưng luôn là lá cờ đầu của cấp Tiểu học ngành giáo dục  huyện Cẩm Thủy. Từ nơi đây, dưới sự yêu thương, dìu dắt của các thầy cô biết bao thế hệ học trò đã được chấp cánh ước mơ bay cao, bay xa tới những chân trời rộng lớn.

          

 

                                  TRƯỜNG TIỂU HỌC CẨM CHÂU

          Về với ngôi trường Tiểu học Cẩm Châu, ai ai cũng nhắc tới cô giáo Đỗ Thị Cúc, một tấm gương nhà giáo tiêu biểu, vượt khó, tận tụy,  hết lòng  vì học sinh thân yêu,  được đồng nghiệp yêu mến, nhân nhân tin tưởng, học sinh kính trọng.

          Sinh ra và lớn lên tại xã Cẩm Vân-Huyện Cẩm Thủy -Tỉnh Thanh Hóa, trong gia đình có truyền thống làm trong ngành giáo dục. Từ thuở còn cắp sách tới trường, cô  Cúc luôn ấp ủ ước mơ  trở thành cô giáo, để được đứng trên bục giảng ngắm nhìn những ánh mắt trẻ thơ trong sáng.  Năm 1992, cô học trò ở vùng quê ven sông Mã vui sướng khi  trở thành giáo sinh trường THSP 12+2 Thanh Hóa. Tốt nghiệp ra trường cô được phân công về trường Tiểu học Cẩm Tâm công tác.  Sau khi lập gia đình, cô chuyển về Trường Tiểu học Cẩm Châu để thuận tiện công việc cho cả hai vợ chồng. Thời gian thấm thoát trôi qua thế mà đã hơn 20 năm.

            Những năm về trước, khi điều kiện kinh tế còn khó khăn nên trường Tiểu học Cẩm Châu có đến  9 điểm trường ứng với 9 thôn trong xã. Khu lẻ xa nhất cách khu chính đến 5km. Đường đến các khu vô cùng vất vả, vì phải băng đèo, lội suối. Lớp học toàn làm bằng tranh, tre, nứa, lá tạm bợ. Có khu phải mượn nhà dân làm lớp học. Tuy đường xá đi lại vất vả, cơ sở vật chất thiếu thốn là vậy nhưng năm nào cô Cúc cũng xung phong đi các khu lẻ như: Đồng Thanh, Sơn Lập, làng Ơi, Làng Quần...Từ nhà cô đên lớp lên đến 15 km. Với chiếc xe đạp cũ kĩ nhưng không có ngày nào các em học sinh phải chờ đợi cô giáo. Sáng sớm tất bật đến trường, trưa ăn tạm gói cơm nắm chấm muối vừng để kịp chiều lên lớp, tối lại về nhà miệt mài bên trang giáo án. Có những hôm trời mưa, nước suối dâng cao cô còn phải gửi xe đạp, lội qua suối đến lớp. Rồi có nhiều hôm nước lũ dâng cao,  cô không kịp về nhà, mặc cho các con thơ đỏ hoe mắt ngóng trông mẹ. Thương cô giáo, nhân dân trong bản luộc củ khoai, củ sắn, mớ rau rừng mời  cô ăn cho qua những ngày mưa bão.         

          Những khó khăn gian khổ đã dần dần trôi qua. Nhờ sự quan tâm của Đảng, chính phủ, các cấp, các ngành giờ đây xã Cẩm Châu đã bước đầu khởi sắc, đời sống nhân dân đã được nâng lên để sánh kịp với các xã khác trong huyện. Vì vậy mà  trường Tiểu học Cẩm Châu được xây dựng khang trang, khuôn viên xanh, sạch, đẹp  với những dãy nhà tầng kiên cố, có phòng học đầy đủ phương tiện, phục vụ tốt cho công tác giảng dạy. Nơi đây còn là điểm đến của của nhiều trường trong và ngoài huyện đến thăm quan, học hỏi kinh nghiệm của các mô hình dạy học hiện đại như : Dạy học theo phương pháp tích cực theo dự án của Tầm nhìn thế giới, mô hình dạy học VNEN...

       

            Hình ảnh lớp học theo mô hình VNEN của Trường Tiểu học Cẩm Châu.

          Vốn là một giáo viên có thâm niên dạy lớp 1. Một khối lớp được đánh giá là vất vả nhất. Ngoài kiến thức về chuyên môn thì điều quan trọng nhất mà các giáo viên lớp 1 cần phải có đó là tình yêu thương, lòng nhân ái, tính chịu khó, kiên trì bền bỉ...Trong các giờ lên lớp cô Cúc đều tận tụy cầm tay từng học sinh, giúp các em viết từng nét chữ. Có những em chậm chạp dạy hoài mà vẫn không đọc, viết được, cô Cúc vẫn nhẹ nhàng an ủi, động viên các em. Rồi có nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ đi làm ăn xa, ở nhà với ông bà nên chưa được quan tâm chăm sóc chu đáo.  Đền lớp các em không có sách vở đồ dùng, cô Cúc không ngần ngại mua cho các  em lúc cái bút, lúc quyển vở, viên phấn, cục tẩy...để các em không bị gián đoạn  trong các tiết học.

          Mỗi  lần đi ngang qua lớp cô, tôi lại thấy cô tất bật, không lúc nào được ngồi ở bàn giáo viên. Nào là viết mẫu, hướng dẫn đọc,  gọt bút chì,  sắp xếp đồ dùng cho học sinh...Tuy bận rộn như vậy nhưng lúc nào cô cũng tươi cười, không bao giờ mắng mỏ học sinh. Giờ ra chơi, các em học sinh thường vây quanh cô. Đứa thì túm tay, đứa nhổ tóc bạc, có đứa còn xà vào lòng cô nũng nịu. Tôi thật sự khâm phục đức tính dịu dàng, hiền hậu của cô. Cô đúng thật sự là một người mẹ hiền thứ hai  của các em ở trường. Chính vì vậy mà các em học sinh vô cùng yêu quý cô giáo Cúc.

        

              Cô Đỗ Thị Cúc đang hướng dẫn các em học sinh lớp 1A tập viết.

          Để nâng cao hiệu quả dạy học, cô Cúc thường xuyên tìm tòi, học hỏi, tham khảo tài liệu để... có những tiết học sinh động, lôi cuốn được học sinh. Ngoài ra cô còn làm đồ dùng dạy học và sử dụng đồ dùng một cách hợp. Phong trào  giữ vở sạch chữ đẹp luôn được cô quan tâm. Hàng tháng, hàng tuần cô đều chấm, xếp loại  vở sạch chữ đẹp, tuyên dương những em có tiến bộ, động viên, nhắc nhở những em bị xếp loại kém. Do đó mà chất lượng học tập của lớp cô phụ trách luôn dẫn đầu trong khối.

          Mấy năm gần đây, sĩ số học sinh ngày càng tăng. Có năm có đên 34 học  

sinh /lớp. Với sĩ số này đối với giáo viên dạy lớp 1 thì càng vất vả gấp bội lần. Mặt khác do nhà trường thiếu giáo viên, không có giáo viên dạy buổi 2 nên dẫn đến chất lượng học sinh có phần giảm sút.  Trăn trở trước những học sinh đọc chưa thông, viết chưa thạo, cô Cúc tình nguyện dạy tăng buổi cho các em mà không thu tiền học thêm. Với  việc làm đầy tính nhân văn này không những cô được Ban giam hiệu nhà trường biểu dương trước  tập thể mà phụ huynh học sinh càng thêm tin tưởng và kính trọng cô. Tiếng lành đồn xa, chính vì vậy mà năm nào cũng nhiều phụ huynh xin được cho con vào học lớp cô chủ nhiệm.

          Với cương vị là tổ phó chuyên môn, cô Đỗ Thị Cúc luôn cùng với đồng chí tổ trưởng xây dựng kế hạch hoạt động chuyên môn tổ với nội dung phong phú, đa dạng. Tổ chức cho các thành viên trong tổ sinh hoạt chuyên môn, dự giờ thăm lớp rút kinh nghiệm...Nhờ  vậy mà tay nghề của giáo viên trong tổ không ngừng được nâng lên.

          Bản thân cô Cúc là người ham học hỏi, tích cực tham gia vào các phong trào thi đua, các cuộc vận động và các hội thi như: giáo viên dạy giỏi, làm đồ dùng, viết sáng kiến kinh nghiệm...Nhiều năm liền cô đạt giáo viên giỏi cấp huyện, có học sinh giỏi cấp huyện, có sáng kiến kinh nghiệm được hội đồng khoa học cấp huyện công nhận. Năm học: 2012-2013  cô vinh dự được nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua

cấp cơ sở. Đây cũng  là thành tích góp phần tạo nên sự thành công trong phong trào

giáo dục của nhà trường.

                       

           Cô Đỗ Thị Cúc đón các em  học sinh lớp 1 trong ngày khai trường.

          Không chỉ giỏi việc trường, cô giáo Đỗ Thị Cúc còn là một người con dâu hiếu thảo, một người vợ hiền và là một người mẹ hết lòng thương yêu các con. Công việc ở trường bận rộn như vậy nhưng cô vẫn dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình. Mẹ chồng cô nhiều năm liền mắc bệnh nan y, một tay cô tận tình  ngày đêm chăm sóc. Chồng cô thì bị tai nạn lao động do một lần đang làm việc trên bến phà ở quê. Gần hai năm trời cô đưa chồng đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác để chữa trị. Nhưng đôi chân của anh vĩnh viễn không bao giờ trở lại bình thường được như trước  nữa. Từ một  người đàn ông khỏe mạnh, cường tráng, là chỗ dựa vững chắc cho gia đình anh đã trở thành một người mất sức lao động 51%.   Gánh nặng gia đình lại đè nén lên đôi vai gầy, bé nhỏ của cô. Cuộc sống tuy chật vật, vất vả nhưng vợ chồng cô vẫn nuôi dạy con cái học hành chu đáo. Các cháu cũng thấu hiểu hoàn cảnh gia đình nên đều chăm ngoan, học giỏi. Cháu trai đầu của cô hiện nay đã trở thành một  sĩ quan trong quân đội. Cháu gái thứ hai đang là học sinh THCS, năm nào cháu cũng đạt học sinh giỏi cấp huyện. Niềm vui từ con cái càng là động lực giúp cô vươn lên trong mọi lĩnh vực.

          Giờ đây, tuy đã bước sang tuổi 44, cái tuổi mà xưa nay ông bà chúng ta thường nói là " đã toan về già" nhưng cô vẫn không ngừng say mê, ham học hỏi, luôn phấn đấu, sống giản dị, khiêm tốn xứng đáng với niềm tin yêu của đồng nghiệp và nhân dân. Cô xứng đáng là một giáo viên tiêu biểu, là tấm gương sáng để các giáo viên, học sinh học tập và noi theo.

          Thay mặt tập thể cán bộ  giáo viên, học sinh trường Tiểu học Cẩm Châu xin được dành tặng cô những vần thơ trong sáng:

TỰ HÀO!

Như bao cô gái đoan trang

Giỏi giang việc nước, đảm đang việc nhà

Người ta trọng trách quốc gia

Còn em đảm nhận " Trồng hoa-Trồng người"

Vườn ươm tổ quốc xanh tươi

Chồi non lá biếc, ngời ngời sắc xuân.

*

*      *

Trường em từng đã dẫn đầu

Có thầy dạy giỏi lại giàu tình thương

Như vườn hoa nức mùi hương

Đi đâu cũng nhớ mái trường quê em.

 

                                                                                         Tháng 9/2017